.

Trào ngược dạ dày là gì? Trào ngược khi nào được coi là bệnh lý, khi nào đượi coi là sinh lý?

Ai mắc bệnh trào ngược dạ dày chắc cũng biết bệnh trào ngược là do acid có tính ăn mòn từ dạ dày trào lên thực quản và gây hại. Nhưng có phải cứ có acid trào lên thực quản thì được gọi là bệnh không? Cùng tìm hiểu về 2 khái niệm trào ngược sinh lý và bệnh trào ngược ở dưới đây nhé!

Phân biệt trào ngược sinh lý và bệnh lý trào ngược
Phân biệt trào ngược sinh lý và bệnh lý trào ngược

Trào ngược sinh lý là gì?

Hãy tìm hiểu một chút về cách chúng ta ăn uống hàng ngày. Mỗi khi bạn nuốt thức ăn, van dạ dày sẽ mở ra để cho thức ăn từ thực quản xuống dạ dày và đóng lại ngay để ngăn việc dạ dày nhào trộn làm bắn các loại dịch lên thực quản. Tuy nhiên, mỗi khi bạn nuốt một miếng thức ăn, bạn cũng nuốt thêm khoảng 10-15ml không khí vào dạ dày. Do đó sau một thời gian ăn vào dạ dày bạn sẽ chứa cả thức ăn và nhiều không khí. Để tránh cho dạ dày bị tích hơi nhiều, van dạ dày sẽ thỉnh thoảng phải mở ra để hơi thoát ra ngoài.

Như vậy là van dạ dày sẽ mở ra trong hai trường hợp, một là để cho thức ăn từ thực quản xuống dạ dày và hai là để cho hơi trong dạ dày thoát bớt ra ngoài. Ở trong trường hợp thứ hai, thỉnh thoảng acid sẽ bị trào lên thực quản theo hơi thoát ra, hoặc chính hơi này cũng có tính acid. Việc acid trào lên khi mà van dạ dày mở xả hơi diễn ra hàng ngày ở tất cả chúng ta, nhiều nhất là sau các bữa ăn. Hàng ngày, chúng ta vẫn có rất nhiều đợt acid âm thầm trào lên thực quản mà chúng ta không hề hay biết, thực quản không bị tổn thương viêm và chúng ta cũng không thấy khó chịu gì, hoặc cùng lắm là thỉnh thoảng một tháng thấy ợ nóng, ợ trớ vài ba lần. Đây được gọi là hiện tượng trào ngược sinh lý.

Vậy tại sao acid dạ dày vốn có tính ăn mòn mạnh, khi trào lên thực quản hàng ngày như thế mà lại không gây hại gì cho thực quản và cũng không làm cho chúng ta thấy đau? Khi nào thì trào ngược acid mới được gọi là bệnh?

Khi nào trào ngược được gọi là bệnh?

Dạ dày đựng được acid là do nó có lớp chất nhày rất dày để bảo vệ. Thực quản tuy không có được nhiều chất nhày như vậy nhưng nó cũng không hoàn toàn vô dụng, nó cũng có những cơ chế nhất định để bảo vệ bản thân trước sự tấn công của acid.

4 cách bảo vệ dạ dày của thực quản:

  • Mỗi khi acid trào lên, thực quản đều có bóp để đẩy acid trở lại dạ dày như cách chúng đẩy thức ăn xuống dạ dày.
  • Luôn có một lượng nước bot từ miệng tiết ra chảy xuống thực quản và trung hòa một phần acid trào lên.
  • Bề mặt thực quản cũng có một lớp nhày giống như lớp của dạ dày, tuy mỏng hơn nhiều nhưng nó cũng có khả năng bảo vệ nhất định.
  • Trọng lực sẽ kéo dịch acid trở lại dạ dày và nó cũng ngăn không cho acid trào lên quá xa.

Tất cả những thứ trên sẽ giúp cho thực quản của bạn vẫn khỏe mạnh, bạn không gặp khó chịu dù cho acid có trào lên từ 40-50 đợt mỗi ngày.

Nhưng vì một lý do nào đó, các van dạ dày mở xả hơi nhiều hơn làm số cơn trào ngược tăng lên hoặc một trong các cơ chế bảo vệ của thực quản bị suy yếu khiến acid tiếp xúc nhiều hơn, lâu hơn với thực quản. Khi đó, các triệu chứng khó chịu như ợ nóng, ợ trớ sẽ xảy ra thường xuyên hơn hoặc thực quản bắt đầu bị viêm ăn mòn. Lúc này trào ngược acid được gọi là bệnh lý.

Tóm lại trào ngược acid vốn là một hiện tượng sinh lý bình thường. Trào ngược sẽ trở thành bệnh vì một lý do nào đó khiến hiện tượng này xảy ra nhiều bất thường, làm các triệu chứng ợ nóng, ợ trớ,… xuất hiện thường xuyên, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bạn hoặc thực quản của bạn bị tổn thương viêm.

Ở bài tới, mình sẽ nói về các lý do có thể khiến hiện tượng trào ngược acid xảy ra thường xuyên hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *