.

8 yếu tố ảnh hưởng đến sự trào ngược của acid dạ dày

Ở phần trước chúng ta đã biết được rằng trào ngược vốn là một hiện tượng sinh lý bình thường nếu nó chỉ xảy ra với số lượng ít, không làm bạn thấy khó chịu hoặc bị viêm thực quản. Những yếu tố nào có thể khiến van dạ dày mở ra nhiều hơn, tức là làm số cơn trào ngược tăng lên hoặc làm suy yếu khả năng “rửa acid” của thực quản, khiến thực quản tiếp xúc với acid lâu hơn đều có thể gây ra bệnh trào ngược. Dưới đây là những yếu tố như vậy.

Ăn quá nhiều 1 bữa

Rõ ràng sau ăn sẽ là thời điểm các cơn trào ngược xảy ra nhiều nhất vì lúc đó dạ dày chứa đầy thức ăn và cả khí nữa. Dễ hiểu là càng nhiều thức ăn thì dạ dày càng đầy chướng và van dạ dày sẽ mở ra nhiều hơn. Vậy nên một bữa ăn no nê bao giờ cũng dễ làm bạn thấy các triệu chứng trào ngược hơn một bữa ăn vừa đủ no. Nếu ai hỏi mình cách ăn uống nào tốt nhất cho mình trào ngược thì câu trả lời của mình sẽ là ăn vừa đủ no thôi, có thể chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày cũng được. Theo mình, đây là cách giảm trào ngược hiệu quả hơn việc phải kiêng khem một số loại thực phẩm nào đó.

Sử dụng các đồ uống, thực phẩm làm gia tăng triệu chứng trào ngược

Một số chất khác như bia rượu, socola, bạc hà, café, đồ chua, cay, dầu mỡ: Có rất nhiều lời khuyên hiện nay bảo người trào ngược phải giảm bớt hoặc kiêng hoàn toàn các loại thực phẩm trên bởi vì chúng có thể làm bạn bị trào ngược. Thực tế thì những thứ trên có thể làm van dạ dày của bạn bị yếu, dễ mở ra nhiều hơn nên tăng số lần trào ngược. Nhưng mỗi người sẽ bị ảnh hưởng bởi một loại thực phẩm khác nhau và nó cũng tùy thuộc vào lượng nhiều hay ít nữa. Không phải tất cả những thứ trên đều làm tăng cơn trào ngược của bạn. Việc kiêng hoàn toàn hay giảm bớt nên được cá nhân hóa tùy theo cảm nhận của từng người. Ví dụ: Người A có thể cứ ăn bạc hà dù ít hay nhiều là thấy bị ợ nóng, trào ngược ngay. Còn người B thì ăn ít bạc hà thì không sao, ăn nhiều mới bị trào ngược. Nhưng bệnh trào ngược của người C thì không bị ảnh hưởng gì bởi bạc hà, chỉ khi uống café mới bị. Vậy nên để không phải khổ sở trong việc kiêng khem, bạn nên theo dõi mối tương quan giữa triệu chứng trào ngược của bạn với thực phẩm bạn ăn vào và chỉ cần bỏ hoặc hạn chế thứ làm cho triệu chứng của bạn năng hơn chứ không cần kiêng tất cả.

Tốc độ làm rỗng thức ăn của dạ dày chậm

Dạ dày chậm co bóp để tống thức ăn từ dạ dày xuống ruột non thì thức ăn sẽ bị ứ đọng lại lâu trong dạ dày và sẽ khiến dạ dày bị đầy chướng. Điều này có thể làm cho van dạ dày mở thoáng qua trong thời gian dài hơn và số lượng nhiều hơn nên cũng dẫn đến trào ngược nhiều hơn. Dạ dày chậm làm rỗng thức ăn hay gặp nhất trong một số người bị chứng khó tiêu chức năng (cái bệnh mà hay bị gọi nhầm là viêm dạ dày – mình sẽ sớm có một bài viết giải thích về cái sự nhầm lẫn tai hại này), bệnh liệt dạ dày hay một bữa ăn có nhiều năng lượng. Cùng một khối lượng thức ăn nhưng bữa ăn chứa nhiều năng lượng hơn sẽ ở trong dạ dày lâu hơn nên dễ gây trào ngược hơn. Từ lý thuyết bữa ăn nhiều năng lượng dễ gây trào ngược hơn mà một số nghiên cứu thấy rằng chế độ ăn low carb – ít tinh bột có thể giảm được bệnh trào ngược.

Thoát vị hoành

Cơ hoành là lớp cơ mỏng nằm ngang ngực chúng ta, chia phần thân chúng ta thành 2 khoang. Khoang bên trên cơ hoành là khoang ngực còn bên dưới cơ hoành là khoang bụng hay ổ bụng. Phần lớn thực quản nằm ở khoang ngực còn dạ dày lại nằm trong ổ bụng. Trên cơ hoành có lỗ để thực quản đâm xuyên qua gặp nhau với dạ dày. Chính ở phần thực quản đi qua lỗ cơ hoành đó là van dạ dày, do đó bao xung quanh van dạ dày là cơ hoành. Phần sức mạnh của van dạ dày, tức là khả năng đóng chặt ngăn trào ngược của nó được hỗ trợ rất nhiều bởi cơ hoành. Khi mà van dạ dày bị trượt khỏi cơ hoành còn gọi là thoát vị hoành, mất sự hỗ trợ từ cơ hoành thì van sẽ bị yếu đi và hiện tượng trào ngược sẽ dễ xảy ra hơn. Không phải ai bị thoát vị hoành cũng có trào ngược nhưng nếu bị thoát vị hoành mà có trào ngược thì cách điều trị tốt nhất là phẫu thuật để chỉnh lại vị trí của van dạ dày.

Béo phì

Những bạn nào béo phì, đặc biệt là béo bụng sẽ có lượng mỡ ở bụng tăng và lượng mỡ này sẽ chèn ép vào ổ bụng khiến dạ dày có ít chỗ để co bóp nhào trộn thức ăn. Dạ dày sẽ chứa được ít thức ăn hơn trước nên khi ăn vào van dạ dày dễ bị mở thoáng qua hơn làm cơn trào tăng lên. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, những người thừa cân béo phì (BMI>25) bị trào ngược thì chỉ cần giảm khoảng 4 kg thôi là các triệu chứng trào ngược đã giảm đi rõ rệt, thậm chí có người còn hết luôn bệnh.

Mang thai

Giống như béo phì, thai nhi khi phát triền càng lớn sẽ chèn ép vào dạ dày khiến dạ dày chứa được ít thức ăn hơn. Ngoài ra trong khi mang thai, cơ thể người phụ nữ còn sản xuất một số hormon đặc biệt, hormon này sẽ tác động vào van dạ dày làm van này bị yếu đi, dễ mở ra hơn. Nhiều người phụ nữ khi mang thai mới bắt đầu mắc bệnh trào ngược hoặc mang thai khiến bệnh trào ngược của họ nặng hơn là lúc chưa có. Đa phần, Sau khi sinh, bệnh trào ngược sẽ tự thuyên giảm hoặc hoàn toàn biến mất.

Hút thuốc lá

Không giống như các loại thực phẩm ở phần I là tùy theo từng người mà nên kiêng hay loại bỏ hoàn toàn một loại thực phẩm cụ thể nào đó để giảm bệnh trào ngược. Tất cả những người bị trào ngược mà đang hút thuốc lá thì cần bỏ thuốc ngay. Đã có những bằng chứng khoa học chắn chắn rằng, khói thuốc lá có thể làm van dạ dày yếu đi khiến nó dễ mở ra hơn và hút thuốc làm giảm đáng kể sự tiết nước bọt là một trong những yếu tố bảo vệ thực quản khỏi acid dạ dày. Việc cai thuốc lá ở người trào ngược đã dẫn đến việc giảm các triệu trào ngược ngay lập tức, giảm rõ rệt và ít bị tái phát bệnh.

Stress

Đây là yếu tố ảnh hưởng đến bệnh trào ngược theo một cách rất đặc biệt. Stress không làm van dạ dày dễ mở hơn để tăng số cơn trào ngược, cũng không phải làm suy giảm yếu tố bảo vệ thực quản khiến acid ở lại thực quản lâu hơn. Mà trong giai đoạn bạn bị stress, bạn sẽ dễ dàng cảm nhận thấy các đợt trào ngược hơn. Ở phần giải thích bản chất về bệnh trào ngược, mình đã viết ngay cả ở người bình thường thì hàng ngày cũng có rất nhiều đợt acid trào lên thực quản, nhưng hầu như chúng ta không cảm nhận thấy nó, chỉ thỉnh thoảng mới có ợ nóng hoặc cảm giác có dòng dịch trào lên. Nhưng khi có stress, sự cảm nhận của cơ thể với cơn trào ngược tăng lên thì những cơn trào ngược bình thường không gây ra triệu chứng lại bắt đầu khiến chúng ta khó chịu, hoặc bình thường gây khó chịu ít thì nay chúng ta thấy khó chịu nhiều hơn. Rất nhiều người bệnh trào ngược, nhất là những người bị lâu năm báo cáo khi bị căng thẳng thì bệnh trào ngược của họ xuất hiện trở lại hoặc trở nặng hơn lúc bình thường.

Trên đây là 8 yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự trào ngược acid qua đó có thể khiến bệnh trào ngược nặng hơn hoặc gây ra nhiều triệu chứng hơn. Gọi là có thể thôi vì không phải cứ có nó là bạn sẽ bị trào ngược. Một người có thể có 1 hoặc nhiều yếu tố, và tất nhiên là bạn có càng nhiều thì bệnh trào ngược càng dễ xảy ra. Chúng ta có thể thấy rằng trong 8 yếu tố chỉ có 2 yếu tố là mang thai và thoát vị hoành là chúng ta khó có thể can dự vào để điều chỉnh. Mang thai thì sau khi đẻ xong sẽ đỡ, còn thoát vị hoành gây ra trào ngược thì cần phải phẫu thuật. 6 yếu tố còn lại đều là những thứ thuộc về lối sống và chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh được.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *