.

Trào ngược dạ dày khi ngủ là gì, có nguy hiểm không?

Trào ngược dạ dày khi ngủ hay còn gọi trào ngược về đêm là tình trạng rất phổ biến ở người mắc bệnh trào ngược dạ dày. Hậu quả của trào ngược dạ dày khi ngủ có thể khiến người bệnh bị mất ngủ, khó ngủ, rối loạn giấc ngủ và ảnh hưởng đến sự tỉnh táo vào ngày hôm sau. Bài viết này sẽ cho bạn tất cả các thông tin cần thiết về tình trạng trào ngược dạ dày khi ngủ từ nguyên nhân, cách nhận biết, mức độ phổ biến, mức độ nguy hiểm và cách chữa trị.

Hiện tượng trào ngược dạ dày khi ngủ là gì?

Bạn có thể hình dung dạ dày như một cái chai và thực quản như một cái ống nước mềm nối với miệng chai dạ dày. Ban ngày khi bạn đứng, cái chai dạ dày đứng thẳng và cái ống nước thực quản cũng nối thẳng từ miệng chai lên. Việc dạ dày co bóp, nhào trộn thức ăn cũng giống như việc bạn vừa xóc vừa bóp cái chai.

Ở người bình thường thì cái chai luôn có nắp đóng kín nên nước trong chai (hay là acid dạ dày) không bị bắn lên ống thực quản khi bạn xóc hoặc bóp cái chai, nhưng ở người bệnh trào ngược nắp chai đóng không kín hay thậm chí là không có nắp thì nước trong chai có thể dễ bị bắn lên ống thực quản. Nhưng vì đang ở tư thế đứng nên nước dịch acid trong chai chỉ bắn lên ống thực quản một đoạn ngắn rồi nhanh chóng rút trở lại cái chai.

Còn ban đêm khi bạn nằm ngủ thì khác, mặc dù nước acid trong chai vào ban đêm không nhiều như ban ngày lúc bạn ăn uống nhưng vì lúc này cái chai dạ dày bị đổ nghiêng ra nên nước acid dễ bị chảy ra khỏi miệng chai mà chả cần bạn phải bóp hay xóc cái chai. Không những vậy, lúc này ống thực quản cũng nằm ngang một mức với chai nên nước acid có thể tràn sang toàn bộ ống thực quản và nó cứ đọng lại ở đó chứ không rút về chai dạ dày như khi đứng.

Mặc dù ban ngày bạn có thể gặp trào ngược nhiều hơn, đặc biệt là sau bữa ăn khi cái chai dạ dày đang chứa rất nhiều dịch, còn ban đêm khi ngủ ít gặp trào ngược hơn do acid chỉ có một lượng rất ít. Nhưng trào ngược ban đêm gây nhiều tác hại hơn vì thực quản sẽ bị ngâm lâu hơn trong môi trường acid.

Nguyên nhân gây nên trào ngược dạ dày khi ngủ

Những người bình thường có van dạ dày khỏe, khi họ nằm xuống van này đóng kín lại nên acid sẽ không bị chảy ra khỏi dạ dày. Một số người tuy có thể gặp trào ngược ban ngày nhưng khi nằm xuống van dạ dày của họ đóng chặt lại thì họ cũng không bị trào ngược về đêm. Chỉ những người có van dạ dày đóng không được chặt khi nằm ngửa ra thì mới gặp phải hiện tượng trào ngược dạ dày khi ngủ và điều này cũng khá phổ biến ở những người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Có hai yếu tố thường gặp gây ra hiện tượng van dạ dày khép không chặt vào ban đêm:

  • Thứ nhất là nằm ngay sau khi ăn: Sau khi ăn thì dạ dày sẽ chứa rất nhiều acid, dịch tiêu hóa và thức ăn, bạn nằm ngay sau khi ăn sẽ khiến hỗn hợp kia gây áp lực nhiều hơn về phía van dạ dày làm cho van dễ mở ra.
  • Thứ hai là bị thoát vị hoành: Cơ hoành là cơ nằm ngang người của bạn, ngăn cách giữa ổ bụng và khoang ngực. Ống thực quản đi từ khoang ngực xuống ổ bụng sẽ phải đi xuyên qua một lỗ ở cơ hoành, và chính tại lỗ này là van dạ dày. Do đó van dạ dày sẽ được sự hỗ trợ đóng mở bởi cơ hoành bao xung quanh. Nếu van dạ dày bị trượt khỏi lỗ cơ hoành – gọi là thoát vị hoành thì van sẽ bị yếu đi do mất sự hỗ trợ bởi cơ hoành. Van dạ dày bị yếu nên nằm xuống van cũng không khép kín được.

Ngoài ra những người bị mắc bệnh trào ngược dạ dày lâu năm, thường là lớn hơn 5 năm cũng sẽ dễ bị trào ngược dạ dày khi ngủ hơn, mặc dù trước đó họ không bị.

Dấu hiệu của trào ngược dạ dày khi ngủ

Triệu chứng của trào ngược dạ dày khi ngủ
Triệu chứng của trào ngược dạ dày khi ngủ

Trào ngược dạ dày khi ngủ nhưng tình trạng này thường có 2 cách biểu hiện triệu chứng như sau:

  • Thứ nhất là có các triệu chứng vào ban đêm khi bạn nằm xuống. Nếu lượng acid chảy từ dạ dày sang thực quản đủ nhiều nó sẽ ngay lập tức gây ra các triệu chứng khó chịu như đau, nóng ngực, cảm giác có dịch trào lên cổ, ho, khó thở. Các triệu chứng khó chịu này có thể khiến bạn mất ngủ, khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc
  • Thứ hai là các triệu chứng vào sáng sớm hôm sau. Nếu chỉ có một ít acid chảy từ dạ dày sang thực quản trong đêm, có thể nó không đủ để gây cho bạn các triệu chứng khó chịu bên trên, bạn vẫn ngủ được bình thường, nhưng vào sáng hôm sau, khi bạn thức dậy nó sẽ khiến bạn gặp phải cảm giác đắng miệng, khô miệng, đau họng, buồn nôn khi đánh răng.

Ngoài ra, những người bị bệnh trào ngược họng thanh mà có các triệu chứng như đau họng, ho, khàn tiếng, cảm giác vướng nghẹn, khó thở thì họ cũng dễ là người đang bị trào ngược dạ dày khi ngủ. Như đã nói ở phần đầu tiên, khi bạn đứng, acid chỉ trào được lên thực quản một đoạn ngắn rồi rút xuống do trọng lực không cho acid đi xa. Còn lúc nằm, không còn trọng lực nữa thì acid mới dễ chảy từ dạ dày sang thực quản và chảy lên cả phần họng – thanh quản để gây tác hại ở đây.

Mức độ phổ biến của trào ngược dạ dày khi ngủ

Những người càng bị bệnh trào ngược dạ dày lâu năm thì càng dễ gặp phải trào ngược dạ dày khi ngủ, mà bệnh trào ngược gần như là bệnh mãn tính, chưa có cách gì điều trị cho khỏi hoàn toàn được nên tỷ lệ mắc kiểu trào ngược về đêm này rất phổ biến.

Ở các nước phương Tây, nhiều nghiên cứu đã cho thấy khoảng 80-85% những người bị bệnh trào ngược dạ dày có gặp phải trào ngược dạ dày khi ngủ. Ở Việt Nam tỷ lệ này có thấp hơn chút, những cũng khoảng gần 70% theo một nghiên cứu gần đây nhất trong thành phố Hồ Chí Minh.

Còn đối với những người có bệnh trào ngược họng thanh quản, tỷ lệ gặp trào ngược dạ dày khi ngủ có thể lên tới 96%.

Trào ngược dạ dày khi ngủ có nguy hiểm không?

Mặc dù phổ biến là vậy nhưng dường như rất ít người để ý đến kiểu trào ngược này, đa phần với mọi người thì trào ngược vào ban ngày hay ban đêm đều giống nhau. Nhưng thực tế, trào ngược về đêm là kiểu trào ngược nặng hơn, gây ra các triệu chứng khó chịu hơn, dễ gây biến chứng hơn và điều trị cũng cần tích cực, mạnh mẽ hơn so với trào ngược ban ngày.

Một cơn ợ nóng, đau ngực do trào ngược về đêm gây ra thường là dữ dội hơn so với trào ngược ban ngày, thậm chí người ta so sánh mức độ của triệu chứng đau ngực do trào ngược ban đêm tương đương với triệu chứng đau tim.

Đi kèm với sự khó chịu của triệu chứng, thứ làm người có trào ngược về đêm khổ sở hơn nữa là bị khó ngủ, ngủ không sâu giấc hoặc mất ngủ, ngày hôm sau họ sẽ không còn đủ tỉnh táo để làm việc khác. Mặc dù buồn ngủ nhưng họ lại sợ đi ngủ vì cứ nằm xuống là triệu chứng lại xảy ra.

Không chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu và ảnh hưởng đến giấc ngủ, trào ngược về đêm cũng nguy hiểm hơn trào ngược ban ngày. Thời gian tiếp xúc của acid với thực quản càng lâu thì nó càng dễ để lại các biến chứng. Vậy nên những người bị viêm thực quản nặng thường là những người cũng có trào ngược về đêm nhiều, và trào ngược về đêm cũng có nguy cơ mắc ung thư thực quản hơn là trào ngược ban ngày.

Cách chữa trào ngược dạ dày khi ngủ

Tuy kiểu trào ngược về đêm này nặng nề hơn trào ngược ban ngày nhưng đa phần mọi người chỉ cần thực hiện nghiêm túc 2 cách điều trị dưới đây là có thể yên tâm ngủ ngon.

Thứ nhất, tránh nằm trong vòng 3 giờ sau khi ăn: Bạn cần phải để dạ dày tiêu hóa tống hết thức ăn xuống ruột non rồi mới được đi nằm, nếu không sẽ giống như một cái chai chứa đầy nước và bị đổ ngang ra, lúc đó acid sẽ chảy sang thực quản rất nhiều.

Đối với người bình thường thì sau khoảng 2 tiếng thức ăn trong dạ dày sẽ được tiêu hóa hết, nhưng nhiều người bị trào ngược có thời gian tiêu hóa thức ăn trong dạ dày lâu hơn, thường thì 3 tiếng hoặc có khi là 4 tiếng thức ăn mới được tiêu hóa xong.

Đặc biệt đối với phụ nữ mang thai thì việc tránh nằm ngay sau khi ăn càng đặc biệt quan trọng, vì theo một nghiên cứu ở Việt Nam của bác sĩ Quách Trọng Đức, đây là yếu tố gây trào ngược lớn nhất ở nhóm đối tượng trào ngược thai kỳ này.

Thứ hai, kê cao đầu giường khi ngủ: Hãy nhớ lại điểm khác biệt chính giữa trào ngược khi ngủ và trào ngược ban ngày chính là trọng lực, khi đứng thì trọng lực sẽ ngăn cho acid không trào xa và ở lại thực quản lâu, còn khi nằm ngang, trọng lực không còn nữa nên acid dễ chảy từ dạ dày sang thực quản.

Bạn có thể nhờ trọng lực như một yếu tố giúp ngăn cơn trào ngược về đêm bằng cách kê cao đầu giường lên, làm như vậy sẽ giúp phần hầu họng và thực quản cao hơn dạ dày, lúc này acid dạ dày sẽ khó chảy được sang thực quản và chẳng may có trào lên thì nó cũng nhanh chóng rút trở lại dạ dày.

Có một điểm cần lưu ý bạn là kê cao đầu giường chứ không phải kê đầu cao, nếu bạn chỉ kê mỗi đầu cao bằng cách xếp chồng nhiều gối lên nhau thì cách này vừa không có hiệu quả lại còn ảnh hưởng xấu đến cột sống cổ của bạn.

Cách thực hiện đúng là bạn cần xếp gạch dưới 2 chân ở đầu giường để cho cả cái giường nghiêng lên, hoặc đơn giản hơn là ngủ trên một chiếc gối chống trào ngược ngược dạ dày cho người lớn. Chiếc gối đặc biệt này sẽ giúp nâng từ phần thắt lưng của bạn lên hết đầu, đảm bảo thực quản cao hơn dạ dày và hoàn toàn không ảnh hưởng đến cột sống của bạn.

Kê cao đầu không có tác dụng làm giảm trào ngược mà còn gây ảnh hưởng đến cột sống cổ
Kê cao đầu không có tác dụng làm giảm trào ngược mà còn gây ảnh hưởng đến cột sống cổ

Với một số ít người khi thực hiện cả 2 giải pháp trên mà vẫn còn trào ngược về đêm, họ nên dùng thêm thuốc chống trào ngược dạ dày. Tuy nhiên cách dùng thuốc cho trào ngược ban ngày có khác biệt với trào ngược ban đêm.

Thuốc điều trị trào ngược phổ biến nhất hiện nay là các thuốc kháng tiết acid, đối với trào ngược ban ngày thì cần dùng trước bữa ăn sáng nhưng đối với trào ngược về đêm thì cần thêm 1 liều trước bữa ăn tối nữa, đặc biệt một số người còn phải dùng thêm 1 thuốc kháng tiết acid thuộc nhóm kháng H2 để tối đa hóa khả năng ức chế tiết acid về đêm.

Ngoài ra các bạn có thể sử dụng thêm 1 thuốc có thể tự mua ngoài nhà thuốc là Gaviscon, thuốc có cơ chế tạo một lớp bè kiềm bền vững nổi trên bề acid dịch vị, cũng uống trước khi đi ngủ.

Nhưng dù dùng thuốc gì thì dùng, cách đầu tiên và quan trọng nhất bạn vẫn luôn cần nhớ là tránh nằm 3 tiếng sau khi ănkê cao đầu giường, vì nếu nghiêm túc thực hiện 2 biện pháp này có thể bạn chỉ phải dùng ít thuốc hoặc không phải dùng thuốc trong thời gian dài mà vẫn có được giấc ngủ ngon, không lo trào ngược.

Nếu bạn đang cần tư vấn thêm về bệnh trào ngược dạ dày. Hãy để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ gọi tư vấn miễn phí cho bạn !

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *