.

4 cấp độ trào ngược dạ dày: phân biệt và cách điều trị

Một số người sau khi nội soi được bác sĩ ghi là bệnh trào ngược thực quản độ A, bệnh trào ngược thực quản độ B. Thực ra, độ A,B này là cách phân loại tổn thương viêm thực quản. Dựa vào mức độ viêm thực quản phát hiện qua nội soi thì bệnh trào ngược dạ dày được chia thành các cấp độ A,B,C,D. 4 cấp độ trào ngược dạ dày có nguy cơ tái phát và tiến triển thành biến chứng khác nhau nên phác đồ điều trị cũng khác nhau. Vậy hãy cùng tìm hiểu xem các cấp độ bệnh cụ thể sẽ như thế nào và cách xử trí phù hợp cho từng tình trạng ra sao.

Quá trình viêm niêm mạc thực quản do trào ngược acid

Vốn dĩ hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản là một hoạt động bình thường trong cơ thể, xảy ra với tần suất ít và cơ thể có những cơ chế bảo vệ để acid không gây ra bất cứ tổn thường nào cho thực quản.

2 cơ chế tự bảo vệ của thực quản đó là:

Thứ nhất, động tác nuốt nước bọt thường xuyên, tạo ra các nhu động thực quản đẩy acid trở lại dạ dày, đồng thời nước bọt cũng có khả năng trung hòa lượng acid còn bám lại ở niêm mạc thực quản.

Thứ hai, lớp tế bào niêm mạc thực quản cũng có khả năng đệm, tức là cân bằng lại pH trên bề mặt khi có tiếp xúc với acid. Tuy nhiên khi bạn bị trào ngược quá nhiều lần, các yếu tố bảo vệ này không chống đỡ lại nổi, các tế bào niêm mạc bị viêm sẽ tạo ra tổn thương dạng sưng, đỏ thậm chí là chảy máu. Càng tiếp xúc nhiều với acid dịch vị, tổn thương sẽ ngày càng mở rộng và nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm như chít hẹp và chảy máu thực quản, barrett thực quản hay còn được biết đến là tiền ung thư thực quản.

Đọc thêm: Cơ chế tự bảo vệ của thực quản

Phân loại các cấp độ trào ngược dạ dày dựa vào nội soi

Tổn thương ban đầu là các vết loét, trợt nhỏ và khi không kịp thời điều trị, càng tiếp xúc nhiều với acid thì các vết loét sẽ càng lan rộng ra. Từng mức độ tổn thương được phân loại theo các cấp độ sau:

  • Cấp độ A: một hoặc nhiều vết loét, trợt kích thước ≤ 5mm, đứng riêng rẽ
  • Cấp độ B: một hoặc nhiều vết loét, trợt kích thước ≥ 5mm, đứng riêng rẽ
  • Cấp độ C: tổn thương viêm loét nối giữa các nếp niêm mạc với nhau nhưng không vượt quá 75% chu vi thực quản
  • Cấp độ D: tổn thương viêm loét ≥ 75% chu vi thực quản

Các triệu chứng của viêm thực quản cũng chính là triệu chứng điển hình của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Đó là tình trạng ợ nóng kèm theo cảm giác nóng rát dọc theo ống thực quản, từ dưới ngực đi lên vùng cổ họng.

Tuy nhiên mức độ của viêm thực quản và mức độ của triệu chứng lại không có mối tương quan như nhiều người lầm tưởng. Có người bị ợ nóng, cảm thấy rát vùng ngực cổ rất nhiều trong khi tổn thương viêm là chưa nhiều và ngược lại có người dù rất ít khi bị ợ nóng, ợ trớ nhưng khi đi nội soi lại phát hiện ra viêm thực quản khá nghiêm trọng.

Vì thế bạn không nên quá hoang mang khi có triệu chứng trào ngược nặng nhưng cũng không được chủ quan xem nhẹ khi thấy mình ít xuất hiện triệu chứng ợ nóng, nóng rát vùng ngực, tốt nhất bạn nên đi khám để nội soi và được xác định đúng cấp độ viêm thực quản mà mình đang bị.

Triệu chứng ợ nóng có thể không phản ánh được cấp độ viêm thực quản, nhưng một số triệu chứng báo động như nuốt đau, nuốt khó, nôn ra máu có thể cảnh báo bạn đang bị cấp độ C hoặc D do 2 cấp độ này dễ dẫn đến biến chứng chít hẹp hoặc chảy máu thực quản.

Đặc điểm cụ thể của từng cấp độ trào ngược dạ dày

Các tổn thương riêng rẽ ở cấp độ A và B:

Ở Việt Nam, theo nghiên cứu mới nhất cho thấy đây là 2 cấp độ viêm thực quản có tỷ lệ người bị trào ngược dạ dày thực quản hay gặp nhất, cụ thể cấp độ A là 83,6%cấp độ B là 14,8%.

Các vết viêm trợt riêng rẽ chứng tỏ thực quản chưa bị acid tấn công quá nhiều, tình trạng trào ngược dạ dày chưa nặng. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản ở giai đoạn này thì nguy cơ tái phát và biến chứng sau khi ngừng sử dụng thuốc là thấp nhất.

Nếu bạn bị viêm thực quản ở cấp độ A hoặc B thì không có gì đáng lo ngại về biến chứng do số liệu cho thấy khoảng 85% người sẽ giữ nguyên cấp độ này nếu không điều trị và 61,3% sẽ lành lại thành niêm mạc bình thường nếu điều trị trào ngược. Cũng chính vì thế mà bác sĩ có thể sẽ không yêu cầu bạn tái khám nội soi thực quản sau quá trình điều trị.

Các tổn thương có sự kết nối giữa các nếp niêm mạc ở cấp độ C và D:

Khác với tỉ lệ người bị viêm thực quản cấp độ C, D ở nước ngoài là khá cao thì ở Việt Nam lại có rất ít bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản gặp phải tình trạng viêm thực quản ở các cấp độ này, cụ thể cấp độ C là 1,6%, thậm chí cấp độ D là 0%.

Tuy nhiên do nguy cơ tái phát và biến chứng sau khi ngừng điều trị bằng thuốc cao nên kế hoạch điều trị cho các đối tượng trào ngược dạ dày thực quản này thời là phải dài hạn. Tình trạng viêm thực quản ở cấp độ này sau khi được điều trị thì 50,4% sẽ trở về bình thường và 41,8% sẽ thoái lui về cấp A hoặc B.

Khác với 2 cấp độ nhẹ hơn là A và B thì sau quá trình điều trị viêm thực quản cấp độ C, D người bệnh cần được tái khám nội soi để kiểm tra. Do ở cấp độ này người bệnh có nguy cơ tái phát và khả năng tiến triển thành biến chứng chít hẹp, chảy máu và barrett thực quản cao hơn

Phương pháp điều trị các cấp độ trào ngược dạ dày

Để biết chính xác mình đang bị trào ngược dạ dày có viêm thực quản ở cấp độ nào thì bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám. Tùy từng trường hợp mà bạn sẽ được chỉ định điều trị bằng thuốc theo quá trình thích hợp. Bên cạnh điều trị bằng thuốc thì việc thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt cũng có vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình làm giảm trào ngược dạ dày thực quản.

Thứ nhất, một số người có thể thấy trào ngược nhiều hơn khi họ ăn 1 trong các loại thực phẩm dầu mỡ, chua, cay, socola, bạc hà, cà phê, nước có gas… Tuy nhiên không phải ai ăn những đồ này vào cũng bị như vậy, việc này sẽ rất khác nhau theo từng người. Do vậy, để tránh việc kiêng khem quá mực, bạn nên tự đánh giá dựa trên cảm nhận cá nhân xem thực phẩm nào ăn vào khiến triệu chứng trào ngược của bạn nặng hơn thì nên tránh, còn ăn vào không bị nặng hơn thì bạn cứ ăn thoải mái.

Thứ hai, bạn cũng cần chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày để tránh ăn quá no gây áp lực lớn trong dạ dày và dễ bị trào ngược.

Thứ ba, vận động nhẹ nhàng sau khi ăn để có thời gian tiêu hóa hết thức ăn trong dạ dày chứ không được nằm ngay ít nhất trong vòng 3 tiếng.

Thứ tư, đặc biệt là việc thay đổi tư thế ngủ từ nằm ngang chuyển sang kê cao đầu giường bằng gối chống trào ngược dạ dày Hi-Sleep. Bởi vì nằm ngang, dịch trào ngược dễ dàng trào vào thực quản mà không được kéo trở lại ngay xuống dạ dày như khi đang đứng, do đó thựa quản bị ngâm acid lâu hơn. Mà việc tiếp xúc với acid càng nhiều thì mức độ tổn thương viêm lại càng lớn. Không chỉ riêng tổn thương thực quản mà nhìn chung trào ngược về đêm luôn gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng hơn rất nhiều so với ban ngày.

Cuối cùng, luyện tập thể thao, thư giãn tránh căng thẳng, stress.

Điều trị trào ngược không dùng thuốc
Điều trị trào ngược không dùng thuốc

Nếu bạn đang cần tư vấn thêm về bệnh trào ngược dạ dày. Hãy để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ gọi tư vấn miễn phí cho bạn !

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *