.

Tổng hợp các phương pháp điều trị bệnh trào ngược dạ dày mới nhất hiện nay

Hiện nay, số người mắc trào ngược dạ dày đang ngày càng tăng lên nhanh chóng. Đây còn là căn bệnh dai dẳng và khó chữa, không chỉ tốn thời gian mà còn tốn cả tiền bạc của người bệnh. Để điều trị bệnh trào ngược dạ dày cần áp dụng nhiều phương pháp và sự kiên trì, cố gắng của người bệnh. Cùng tìm hiểu về căn bệnh này và các cách điều trị chuẩn khoa học hiện nay.

Bệnh trào ngược là gì?

Ở dạ dày, chỗ nối với thực quản có một cái van vách ngăn giữa dạ dày và thực quản được gọi là van dạ dày hay van tâm vị. Khi bình thường van này luôn đóng chặt và chỉ mở ra khi thức ăn đi qua và khi tống bớt khí dư thừa ra ngoài dạ dày (khí này sinh ra trong quá trình tiêu hóa thức ăn). Nhiệm vụ chính của van dạ dày là ngăn cho acid và các dịch trong dạ dày không bị trào lên thực quản trong quá trình co bóp thức ăn của dạ dày.

Tuy nhiên, van dạ dày hoạt động không thể tuyệt đối được nên hầu như tất cả chúng ta, gần như mỗi ngày đều có hiện tượng acid từ dạ dày trào lên thực quản, nhất là sau mỗi bữa ăn. Chẳng qua với số lần trào ngược ít, bạn sẽ gần như không cảm thấy gì và thực quản cũng không bị tổn thương, đây được gọi là hiện tượng trào ngược sinh lý. Chỉ khi, vì một lý do nào đó số lần trào ngược tăng lên, lúc đó bạn mới cảm nhận thấy các triệu chứng khó chịu hoặc thực quản bị tổn thương, khi đó mới gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Cho đến thời điểm hiện tại trào ngược vẫn được coi là bệnh mãn tính, chưa có cách điều trị triệt để vì bạn có thể điều trị hết được triệu chứng trong đợt này, nhưng không có gì có thể đảm bảo các triệu chứng sẽ không tái phát. Tuy chưa có cách điều trị triệt để, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải chịu đựng triệu chứng trào ngược suốt đời. Nếu bạn nghiêm túc áp dụng các cách điều trị dưới đây theo chỉ định của bác sĩ thì bạn có thể trải nghiệm một cuộc sống khỏe mạnh, không có triệu chứng trào ngược.

Điều trị bệnh trào ngược dạ dày không dùng thuốc

Trong điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản, các phương pháp không dùng thuốc – hay còn gọi là thay đổi lối sống luôn là ưu tiên số 1, là cách điều trị đầu tiên phải thực hiện. Bởi đây là những phương pháp cho hiệu quả tốt nếu áp dụng đúng và kiên trì, không gây ra tác dụng phụ nào nếu phải dùng lâu dài, và quan trọng là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh trào ngược tái phát.

Bạn có thể thấy rất nhiều lời khuyên, hướng dẫn thay đổi lối sống trên mạng được cho là tốt cho bệnh trào ngược như kiêng đồ chua cay, dầu mỡ, bia rượu,… nhai kỹ, không uống nhiều nước khi ăn, không nói chuyện khi ăn,…. Thực tế là một vài trong số đó có thể có hiệu quả, một số thì không. Nhưng điều quan trọng là nếu bạn cứ áp dụng hết những thứ người ta khuyên thì không biết bệnh có đỡ đi nhiều không chứ chắn là bạn sẽ thấy cuộc sống gò bó, ngộp thở hơn trước. Các nhà khoa học đã tích cực nghiên cứu qua nhiều năm, tìm hiểu xem các biện pháp thay đổi lối sống nào thực sự hiệu quả, loại bỏ những thứ không cần thiết. Và họ đã tổng hợp được 5 điều quan trọng sau:

Thứ nhất, giảm cân ở người thừa cân: Những người béo phì, đặc biệt là béo bụng có lớp mỡ khá dày ở bụng. Lớp mỡ này có thể chèn ép làm dạ dày có ít không gian hoạt động hơn, nên acid và thức ăn sẽ dễ bị trào lên thực quản hơn khi dạ dày co bóp. Những người trào ngược bị béo phì, sau khi được tập luyện giảm cân đã cho thấy giảm đáng kể các triệu chứng trào ngược, và sự thuyên giảm này rất lâu bền, chừng nào họ còn giữ được cân nặng ở mức hợp lý.

Thứ hai, cai thuốc lá ở người đang hút thuốc: Các thành phần trong khói thuốc lá có thể làm van dạ dày trở nên yếu đi nên nó dễ mở ra hơn. Khói thuốc lá cũng làm cho miệng tiết ít nước bọt đi mà nước bọt vốn là một thứ dung dịch có thể trung hòa một phần acid trào lên thực quản. Việc cai thuốc lá sau một thời gian ngắn đã được chứng minh là làm van dạ dày khỏe hơn và miệng tiết nhiều nước bọt trở lại, các triệu chứng trào ngược cũng được giảm đi đáng kể và rất bền vững.

Thứ ba, tránh nằm ngay 3 giờ sau khi ăn: Sau ăn là thời điểm các đợt trào ngược xảy ra nhiều nhất, cả ở người bình thường lẫn người bệnh trào ngược, bởi lúc này, dạ dày như một túi chưa đầy thức ăn. Nếu bạn nằm xuống khi dạ dày đang chứa nhiều thức ăn thì sẽ giống như cái túi bị đổ ngang ra, số thức ăn trong túi sẽ dễ bị đổ ra ngoài. Bạn cần để thức ăn trong dạ dày được tiêu hóa hết thì đi nằm mới không bị trào ngược nhiều. Đặc biệt, với đối tượng phụ nữ có thai bị trào ngược thì càng cần phải kiêng tuyệt đối điều này vì nó được cho là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến trào ngược thai kỳ.

khong hut thuoc va nam ngay sau an kr

Thứ tư, kê cao thân trên khi ngủ: Trào ngược khi ngủ, trào ngược khi nằm phẳng là nguyên nhân gây ra các triệu chứng vào ban đêm như đau nóng ngực, cảm giác dịch dâng lên, ho, khó thở khi nằm…., các triệu chứng vào sáng hôm sau như đắng miệng, miệng nhiều đờm, buồn nôn khi đánh răng hoặc một số triệu chứng ở cổ họng như cảm giác vướng nghẹn, khàn tiếng, đau hong… Phương pháp điều trị đặc hiệu cho tình trạng trào ngược khi ngủ này là kê cao phần thân trên bằng cách kê gạch dưới 2 chân đầu giường hoặc ngủ trên gối nêm – một chiếc gối chống trào ngược dạ dày.

Khi thân trên của bạn được kê cao, thực quản sẽ có một độ dốc so với dạ dày chứ không nằm ngang một mức như lúc bạn nằm phẳng. Acid từ dạ dày sẽ khó trào lên thực quản hơn mà có trào thì nó cũng nhanh chóng rút trở lại dạ dày chứ không bị đọng lại thực quản như khi nằm phẳng.

Lưu ý: nếu bạn chỉ kê cao gối đầu thì không có hiệu quả, làm như vậy vừa không giúp thực quản cao hơn dạ dày vừa gây hại đến cột sống cổ của bạn.

Kê cao gối đầu không làm giảm trào ngược mà còn gây ảnh hưởng đến cột sống cổ
Kê cao gối đầu không làm giảm trào ngược mà còn gây ảnh hưởng đến cột sống cổ

Cuối cùng, không ăn quá no trong một bữa: Điều này khá dễ hiểu bởi nếu dạ dày càng chứa nhiều thức ăn thì trong quá trình nhào trộn, dịch và thức ăn càng dễ bị bắn ra ngoài. Bạn nên chia thành nhiều bữa trong ngày, bổ sung thêm một bữa lúc giữa buổi sáng, bữa xế chiều để các bữa ăn chính trong ngày bạn không cần phải ăn quá nhiều. Lưu ý với bạn là không ăn thêm một bữa khuya vì điều này có thể dẫn đến trào ngược về đêm.

Các loại thuốc điều trị bệnh trào ngược dạ dày

Dùng thuốc sẽ là bước điều trị tiếp theo khi bạn đã áp dụng các biện pháp không dùng thuốc một cách nghiêm ngặt mà không thấy đỡ triệu chứng hoặc đỡ nhưng không đáng kể.

Thuốc giảm tiết acid dạ dày

Đây là thuốc đầu bảng trong điều trị bệnh trào ngược. Cơ chế của nó là làm dạ dày giảm tiết acid. Thuốc này tuy không làm giảm được số cơn trào ngược nhưng nó sẽ làm cho cơn trào ngược không còn nguy hiểm như trước nữa. Nghĩa là các cơn trào ngược dịch từ dạ dày lên thực quản vẫn xảy ra, nhưng vì dịch trong dạ dày đã bớt acid hơn nên dịch trào lên cũng bớt acid hơn và không có khả năng gây hại thực quản nữa. Bạn có thể mua được các thuốc này ngoài hiệu thuốc mà không cần phải có đơn bác sĩ, tuy nhiên đó là hàm lượng thấp và cho những trường hợp bệnh nhẹ. Bạn muốn mua loại thuốc này với liều lượng cao hơn thì cần phải có đơn của bác sĩ. Các thuốc phổ biến là esomeprazole, omeprazole, pantoprazole, cimetidine,….

Thuốc trung hòa acid dạ dày

Đây là những thuốc có tính kiềm mạnh, khi vào trong dạ dày có khả năng trung hòa một phần acid và làm cho dịch dạ dày trở nên kiềm hơn. Nó có khả năng làm giảm triệu chứng rất nhanh, nhưng chỉ trong thời gian ngắn và các triệu chứng mức độ nhẹ. Với những triệu chứng mức độ nặng hơn, bạn cần dùng các thuốc thuộc nhóm số 1. Một số thuốc thuộc nhóm này là gastropulgite, phosphalugel,…

 

Thuốc tạo lớp bè kháng acid dạ dày

Loại thuốc này có khả năng phản ứng với acid trong dạ dày tạo thành một lớp gel bền vững có tính kiềm và nổi được trên bề mặt dịch dạ dày. Do đó giữa dịch dạ dày đầy acid và thực quản luôn có một lớp gel kiềm như một cái bè chắn ở giữa, ngăn không cho acid trào lên thực quản. Thuốc này có khả năng giảm triệu chứng mạnh hơn thuốc nhóm số 2 và trong một số trường hợp tương đương nhóm số 1 mà lại ít tác dụng phụ hơn. Nhược điểm là bạn phải uống nhiều lần trong ngày, sau mỗi bữa ăn. Thuốc tiêu biểu thuộc nhóm này là Gaviscon.

Thuốc tạo lớp bè kháng acid dạ dày Gaviscon
Thuốc tạo lớp bè kháng acid dạ dày Gaviscon

Thuốc làm tăng tốc độ tháo rỗng dạ dày – prokinetic

Khi thức ăn ở lại dạ dày càng lâu thì số cơn trào ngược càng nhiều. Các thuốc làm tăng tốc độ tháo rỗng dạ dày bằng cách làm dạ dày tăng co bóp, tăng việc đẩy dịch tiêu hóa từ dạ dày xuống tá tràng. Các thuốc thuộc nhóm này cũng làm tăng khả năng co bóp của thực quản, để mỗi lần acid từ dạ dày trào lên thực quản thì thực quản sẽ co bóp nhanh chóng tống acid trở lại dạ dày. Đây là những thuốc kê đơn, cần có sự chỉ định của bác sĩ do nó có thể gây nhiều tác dụng phụ. Các thuốc tiêu biểu là domperidone, metoclopramide, itopride,…

 

Phẫu thuật điều trị trào ngược

Mục đích của việc phẫu thuật điều trị trào ngược là làm khỏe van dạ dày, để từ đó van này ít mở ra hơn. Đây là phương pháp điều trị cuối cùng khi dùng thuốc hay thay đổi lối sống không đủ hiệu quả giảm bệnh, hoặc bệnh nhân không muốn phải uống thuốc lâu dài. Hiện phẫu thuật có thể thực hiện bằng nội soi để hạn chế tốt hơn các biến chứng và giúp bệnh nhân mau hồi phục.

Tuy nhiên phẫu thuật cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như gây khó nuốt, bệnh nhân không ợ được do van dạ dày đóng quá chặt, và một số trường hợp bệnh nhân có thể vẫn cần phải điều trị dùng thuốc trở lại sau một thời gian phẫu thuật. Không phải ai cũng có thể phù hợp để điều trị bằng cách này.

Thường những người có đáp ứng tốt hoặc đáp ứng một phần với các thuốc điều trị chống trào ngược là những đối tượng phù hợp để phẫu thuật. Hoặc các bác sĩ cần phải dùng các thiết bị y tế để xác định chính xác rằng các triệu chứng của bạn thực sự là do acid trào lên gây ra, bởi ngoài trào ngược còn có một số bệnh khác cũng có thể gây nên triệu chứng tương tự trào ngược dù hiếm gặp hơn.

Tóm lại, trên đây là những phương pháp được các bác sĩ sử dụng để điều trị bệnh trào ngược. Hầu hết trong số chúng ta sẽ không phải cần đến phương pháp phẫu thuật, điều trị thay đổi lối sống và dùng thuốc là phổ biến nhất. So với các biện pháp thay đổi lối sống thì dùng thuốc dễ thực hiện hơn, vì đơn giản là bạn chỉ cần uống 1 viên thuốc. Tuy nhiên rủi ro mà bạn phải chấp nhận, nhất là khi dùng thuốc lâu dài là tác dụng phụ. Thay đổi lối sống được ưu tiên số 1 là bởi đây là biện pháp an toàn khi áp dụng lâu dài, nếu hình thành được thói quen thì hiệu quả giảm trào ngược sẽ rất bền vững, ít bị tái phát chứ không như dùng thuốc là bệnh có thể dễ tái phát trở lại khi ngừng thuốc.

Nếu bạn đang cần tư vấn thêm về bệnh trào ngược dạ dày. Hãy để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ gọi tư vấn miễn phí cho bạn !

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *