.

Cảm giác nghẹn cổ là gì? Nguyên nhân và cách điều trị như thế nào?

Thực tế, nhiều bác sĩ điều trị trào ngược, kể cả chuyên khoa tiêu hóa lẫn tai mũi họng đều thấy cảm giác vướng nghẹn là khó điều trị nhất, thường là triệu chứng còn lại sau cùng khi các triệu chứng khác đã được cải thiện hết. Vậy cảm giác nghẹn cổ là như thế nào? Nguyên nhân và cách điều trị ra sao? Bài viết dưới dây sẽ giúp bạn giải đáp tất cả thắc mắc của mình.

Nghẹn cổ & cảm giác nghẹn cổ

Cảm giác vướng cổ hay cảm giác vướng nghẹn là sự khó chịu nhưng không đau ở trong cổ họng. Cảm giác này có thể diễn ra dai dẳng liên tục hoặc là lúc có lúc không. Sự khó chịu này được mô tả da dạng ở mọi người. Thường thấy nhất là có u hay cục gì trong cổ họng, một số khác thì thấy như có vết xước hay sợi tóc mắc trong cổ họng, một số thì thấy như có đờm ở trong cổ nhưng khạc ra thì không được, còn một số thì lại thấy như bị nghẹn cổ. Cảm giác vướng cổ thường thấy rõ nhất khi nuốt nước bọt, còn khi ăn hoặc uống lại thấy rất dễ chịu, không bị ảnh hưởng gì.

Các yếu tố nguy cơ – nguyên nhân gây nghẹn cổ

Cảm giác nghẹn cổ thường là do nhiều yếu tố gây ra chứ hiếm khi chỉ là do mình trào ngược acid (nếu chỉ do trào ngược acid thì uống thuốc chống tiết acid sẽ đỡ ngay). Các yếu tố quan trọng khác gây ra cảm giác vướng nghẹn là trào ngược men pepsin (là men tiêu hóa protein trong dạ dày trào lên theo acid), quá nhạy cảm vùng họng – thanh quản và căng cơ vùng họng – thanh quản.

Stress là một nguyên nhân ảnh hưởng rất nhiều đến triệu chứng nghẹn cổ này. Cụ thể, 96% người có cảm giác vướng nghẹn sẽ thấy triệu chứng xuất hiện hoặc trở nên nặng hơn khi họ đang có stress. Vậy nên, kiểm soát stress là một mục tiêu quan trọng khi điều trị cảm giác vướng nghẹn.

Điều trị nghẹn cổ

Điều trị nghẹn cổ bằng thuốc

Quá nhạy cảm vùng hong thanh quản được hiểu là vùng họng – thanh quản của bạn trở nên nhạy cảm bất thường, có sự sai lệch trong cảm nhận ở vùng này. Nên dù thực sự bạn không có tổn thương, viêm nhiễm, u cục gì ở đây nhưng họng của bạn báo sai cảm giác khiến bạn cảm thấy có khó chịu.

Thuốc tốt nhất hiện nay để giảm sự nhạy cảm, sai lệch cảm giác là thuốc chống trầm cảm ba vòng tiêu biểu là amitriptyline và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin tiêu biểu là paroxetine. Bạn dùng thuốc này sẽ thấy đỡ rất nhiều, hiệu quả giảm cảm giác vướng cổ tốt hơn rất nhiều so với thuốc chống tiết acid. Đây là những thuốc hay được dùng để điều trị chứng bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu.

Đến đây một số bạn có thể thắc mắc là chẳng lẽ triệu chứng này là do bệnh trầm cảm hay rối loạn lo âu gây ra à? Tôi đâu có bị mấy bệnh tâm thần đó. Vâng quả thật thì hầu hết người bị cảm giác vướng nghẹn không mắc bệnh tâm thần, mặc dù đa phần có thể có stress.

2 thuốc trên amitriptyline và paroxetine, cơ chế của nó là điều hòa lại sự dẫn truyền thần kinh mà vốn người bị trầm cảm hay rối loạn lo âu mắc phải. Nhưng sự rối loạn thần kinh cũng là cơ chế của sai lệch cảm giác, tăng nhạy cảm ở vùng họng – thanh quản (tất nhiên là nó nhẹ hơn và chỉ sảy ra ở vùng này chứ không phải ở não).

Do đó, bác sĩ sẽ kê cho bạn thuốc này mục đích là để điều hòa sự dẫn truyền thần kinh phần họng – thanh quản (từ đó giảm cảm giác vướng nghẹn) chứ không phải là điều trị căn bệnh tâm thần nào cả. Ở nước ngoài thì người ta gọi là thuốc điều hòa thần kinh nghe chuẩn hơn, vì gọi là thuốc chống trầm cảm sẽ dễ bị kỳ thị, người bệnh không dám dùng. Thực tế, dùng amitriptyline và paroxetine để điều trị cảm giác vướng nghẹn có liều thấp hơn so với điều trị các bệnh tâm thần. Đây thực sự là 2 thuốc rất hiệu quả, nếu như các thuốc kháng tiết acid bó tay.

Điều trị nghẹn cổ không dùng thuốc

Chế độ ăn

Cảm giác vướng nghẹn thường là do nhiều yếu tố gây ra, nhưng ít nhiều cũng do trào ngược gây ra. Do đó, tối ưu hóa điều trị trào ngược luôn là bước đầu tiên phải làm. Tối ưu hóa ở đây là bạn phải ngăn được cả trào ngược acid lẫn trào ngược men pepsin.

Các thuốc chống tiết acid chỉ có tác dụng ngăn được acid chứ không ngăn được pepsin trào lên. Pepsin là men tiêu hóa protein, chỉ được tiết ra ở dạ dày. Men này cần có acid đi kèm để kích hoạt khả năng tiêu hóa, phân hủy protein của nó, acid càng mạnh thì pepsin hoạt động càng mạnh.

Men pepsin khi trào lên vùng hong thanh quản thì nó sẽ bám ở lại và có thể phân hủy protein của các tế bào ở đây. Khi đợt trào ngược acid qua đi, men pepsin sẽ không hoạt động do không được kích hoạt. Nhưng khi đợt trào ngược acid khác tới và đặc biệt là cả đồ ăn thức uống có tính acid, chúng đều kích hoạt men pepsin hoạt động trở lại để phân hủy protein vùng họng – thanh quản.Vậy nên chỉ uống thuốc chống tiết acid để ngăn trào ngược acid từ dưới lên mà vẫn ăn uống đồ có acid thì men pepsin vẫn hoạt động gây viêm họng – thanh quản bình thường.

Ở Mỹ và các nước phương Tây, việc điều trị các triệu chứng của trào ngược họng thanh quản (trong đó có cả cảm giác vướng nghẹn), nếu nặng phải bao gồm cả dùng thuốc chống tiết acid lẫn thực hiện chế độ ăn kiềm tính. Nếu nhẹ thì chỉ cần thực hiện ăn kiềm tính là được.

Chế độ ăn kiềm tính là phải loại bỏ hoàn toàn các loại thực phẩm có tính acid, chỉ được ăn đồ có pH> 5 trở lên và ăn thực phẩm từ thực vật nhiều hơn động vật. Cụ thể:

  • Các thực phẩm từ thực vật như rau, củ,.. chiếm ít nhất 70% trong chế độ ăn. Nhưng loại bỏ các đồ chua như cà chua, dấm, dưa chua, các loại hoa quả có vị chua hoặc quả có múi (kể cả quả có vị ngọt).
  • Thực phẩm từ động vật chiếm tối đa 30% trong chế độ ăn. Chủ yếu là cá, hải sản, trứng, thịt gia cầm (nhưng bỏ da). Hạn chế thịt đỏ (chỉ 2-3 bữa/ tuần).
  • Hạn chế các đồ ngọt như bánh ngọt, bánh quy, các thực phẩm chế biến sẵn, hoa quả tốt nhất nên ăn cả quả, nếu pha sinh tố thì không được cho thêm đường.

Một điều rất quan trọng trong chế độ ăn kiềm là sử dụng nước kiềm là nước có pH >8. Các loại nước khoáng hay sử dụng bây giờ là nước trung tính vì có pH =7. Theo nghiên cứu, nước kiềm có khả năng phá hủy men pepsin khi tiếp xúc khiến men này không hoạt động được nữa. Bạn nên uống ít nhất 500 ml nước kiềm mỗi ngày, nhất là trong và sau khi ăn hoặc những khi đang có triệu chứng khó chịu.

Thực hiện nghiêm ngặt chế độ ăn kiềm này trong ít nhất 2 tuần, bạn sẽ bắt đầu thấy cải thiện các triệu chứng của trào ngược họng thanh quản như đau họng, ho, khàn tiếng và có thể mất khoảng 3-4 tuần thì sẽ thấy đỡ cảm giác vướng nghẹn.

Lưu ý: Chế độ ăn này kiềm này và việc sử dụng nước kiềm chỉ được nghiên cứu là có hiệu quả trên bệnh trào ngược họng thanh quản với các triệu chứng như đau họng, ho, khàn tiếng, chua đắng miệng, càm giác vướng nghẹn,… Còn trong bệnh trào ngược dạ dày thực quản với triệu chứng là ợ nóng, ợ trớ, đau tức ngực thì không được khuyến khích dùng do chưa được nghiên cứu.

Kiểm soát stress

Mỗi người có một vấn đề gây stress trong cuộc sống khác nhau nên không có cách gì chung để giải quyết triệt để stress của tất cả mọi người, mọi người tự phải tìm cách tối ưu nhất cho riêng mình. Nhưng có một phương pháp tập luyện mà ai kiên trì làm theo thì đều có thể giảm được phần nào đó stress trong cuộc sống. Đó là tập thở bụng. Bạn nên tập ít nhất 20 phút mỗi ngày, có thể tập một lúc luôn hoặc chia thành 2 lần, mỗi lần 10 phút cũng được.

Lưu ý: ở đây là họ nằm thở vì kiểu này dễ tập nhất cho người mới bắt đầu, khi đã thở quen rồi thì bạn ngồi hay đứng cũng được nhé

Đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh những người duy trì việc tập thở bụng hàng ngày sẽ có một tâm lý khỏe mạnh hơn những người không tập. Dù họ đều chịu áp lực từ cuộc sống như nhau.

Và cũng có một video rất hay để giúp bạn có thể thay đổi quan điểm về stress, khi bạn nhìn stress dưới một góc độ tích cực hơn thì bạn cũng ít phải chịu tác động xấu từ stress hơn.

Đó là 2 cách đơn giản để giảm tác động của stress trong cuộc sống. Nhưng còn một nguồn gây stress nữa mà bạn khó nhận ra hơn, và ảnh hưởng của nó đến cảm giác vướng cổ của bạn còn lớn hơn tác động của stress trong cuộc sống gây ra. Đó là stress do sự lo lắng, sợ hãi, bực tức từ chính triệu chứng của bạn.

Stress do chính sự lo lắng về triệu chứng

  • Liệu bạn có bao giờ lo sợ rằng triệu chứng của bạn là dấu hiệu của ung thư, hay một căn bệnh tiềm ẩn nguy hiểm nào đó mà bạn hay bác sĩ chưa khám ra được?
  • Liệu bạn có bao giờ tức giận khi cái cảm giác khó chịu này cứ mãi không hết, hay cảm giác này phá hỏng khoảnh khắc thư giãn của bạn?
  • Liệu bạn cứ suốt ngày nghĩ mãi về cảm giác khó chịu, theo dõi nó, lo lắng chỉ mong nó biến đi để bạn được bình thường trở lại?

Nếu bạn có một trong những suy nghĩ trên thường xuyên thì đó chính là nguồn gây ra stress cho bạn. Các bác sĩ gọi đó là kiểu lo lắng tập trung về triệu chứng, để phân biệt với stress do các vấn đề xã hội – công việc.

Có những dạng suy nghĩ tiêu cực hay gặp sau:

  • Cứ nghĩ đi nghĩ lại về triệu chứng này, về nguyên nhân, hậu quả, cơ chế gây ra nó. Nghĩ nhiều rồi sẽ lo lắng về nó. Kể cả khi các triệu chứng chỉ rất nhé hay không có nữa thì bạn vẫn nghĩ. Thậm chí ngủ dậy là đã nghĩ đến nó.
  • Bi kịch hóa quá mức tình trạng của mình. Điển hình nhất là sợ mình đang mắc ung thư hay bệnh nguy hiểm nào đó. Suy nghĩ nghiêm trọng hơn là cuộc sống sẽ ngày càng tệ do triệu chứng này gây ra.
  • Cảnh giác quá mức về triệu chứng này, nhiều người sau khi đi khám bác sĩ, nội soi kiểm tra đầy đủ, bác sĩ kết luận là không có gì nguy hiểm rồi mà vẫn còn lo, sợ bác sĩ khám không kỹ, sợ vết thương nhỏ quá nên bác sĩ tìm không ra. Họ lại đi khám chỗ khác, nhưng tất nhiên kết quả vẫn vậy thôi. Họ muốn đi khám, phát hiện ra bệnh để yên tâm hơn nhưng càng đi khám thì càng lo do vốn dĩ các kết quả đều bình thường.
  • Có hành vi đối phó tiêu cực với triệu chứng này. Ví dụ hay gặp nhất là khi nào cảm giác vướng cổ nhiều thì phải nghỉ học, nghỉ làm để nằm nhà nghỉ ngơi. Không dám ra ngoài ăn uống cùng bạn bè.

Thực tế là triệu chứng này ngoài khó chịu ra thì nó không gây nguy hiểm gì cho bạn cả. Chỉ có cảm giác không thoải mái mà thôi chứ nó không phải là dấu hiệu của bệnh ung thư hay tổn thương ở cổ họng nào hết. Nếu bạn đã đi nội soi và bác sĩ bảo bình thường rồi thì bạn cứ yên tâm đi. Chỉ cần khám nội soi ở một nơi thôi, chứ không cần phải đi khám nhiều chỗ để xác nhận đâu bạn.

Mặc dù nói thì dễ hơn làm, nhưng nhiều người đã thấy đỡ triệu chỉ từ việc không làm gì cả, họ chấp nhận là nó tồn tại, nhưng họ cứ mặc kệ nó ở đó và sau một thời gian thì triệu chứng này tự nó biến mất. Khi bạn chấp nhận triệu chứng tồn tại với bạn, bạn chấp nhận là chưa có cách gì điều trị được nên cứ để nó ở đấy. Bạn sẽ tự nhiên không còn lo lắng, nghĩ nhiều về nó nữa. Nó cứ ở đó là việc của nó, còn bạn cứ ăn uống, đi làm, đi chơi bình thường. Không vì có nó mà bạn phải hạn chế những thứ mà trước đây bạn vẫn làm. Mình nhấn mạnh lại lần nữa là nó chỉ là cảm giác, chứ không phải tổn thương thực thể nào nên dù bạn có hoạt động mạnh thì cũng không sợ nó nặng hơn đâu.

Trên đây là những suy nghĩ của mình về việc giảm stress khi có triệu chứng vướng nghẹn. Như với stress do vấn đề trong cuộc sống thì tập thở bụng hàng ngày và thay đổi cách nhìn của bạn với stress có thể giúp bạn ít chịu ảnh hưởng xấu hơn từ stress. Còn với stress do chính sự lo sợ triệu chứng gây ra, đầu tiên là bạn phải nhận ra xem mình có đang có những kiểu suy nghĩ tiêu cực được liệt kê bên trên không. Khi nhận ra được thì bạn sẽ dễ loại bỏ nó hơn. Cách đơn giản nhất để loại bỏ lo lắng, suy nghĩ tiêu cực về triệu chứng là chấp nhận nó tồn tại, nhưng mặc kệ nó, bạn cứ sinh hoạt như trước đây bạn không có triệu chứng ấy.

Các bài tập đang được các bệnh viện ở Anh hướng dẫn cho những người có cảm giác vướng nghẹn tự tập luyện ở nhà.
Theo họ thì các bài tập này rất hiệu quả, nhưng cũng phải tập kiên trì 2-3 tuần mới thấy có kết quả chứ không hết nhanh được. Và sau khi tập mấy cái bài này mà không thấy có hiệu quả thì mới cần đến bác sĩ chuyên khoa khám.
Đây là các bài tập vốn được phát triển bởi các nhà âm ngữ trị liệu. Nói nôm na cho bạn hiểu thì họ như những nhà vật lý trị liệu, nhưng âm ngữ trị liệu chuyên về phục hồi chức năng nói và nuốt.
Các nhà âm ngữ trị liệu quan niệm rằng, khi bạn đang trải qua stress hoặc lo âu, các cơ bắp của cơ thể sẽ gồng lên, co lại. Và các cơ ở vùng cổ họng cũng bị căng gồng lên như vậy, và sự căng cơ, co cơ đó khiến bạn cảm thấy vướng nghẹn. Vậy nên điều trị sẽ tập trung vào việc kiểm soát căng thẳng đầu tiên, sau đó tập các bài tập để làm thư giãn cơ vùng cổ họng này. Các bài tập như sau:

Bài tập với cổ và vai:

  • Cúi đầu xuống, giữ khoảng 10s rồi ngẩng lên. Ngửa đầu ra sau khoảng 10s rồi lại đưa đầu về vị trí thẳng.
  • Nghiêng đầu sang trái, chú ý vai vẫn thẳng. Giữ trong 10s rồi đưa đầu về vị trí thẳng. Lập lại với bên phải.
  • Nhún 2 vai lên tai, giữ trong vài giây rồi thả lỏng buông thõng 2 vai. Đưa vai về vị trí ban đầu. Lặp lại động tác này 5 lần.
  • Đưa hai tay ra trước mặt, như thể bạn đang đẩy thứ gì đó ra khỏi người. Kéo dài hết mức có thể. Nhẹ nhàng thả cánh tay
  • sang hai bên khi bạn thư giãn. Lặp lại động tác này 3 lần.
  • Đẩy 2 vai về phía trước như thể cố gắng làm cho nó gặp nhau ở phía trước.
  • Đẩy 2 vai của bạn về phía sau như thể cố gắng làm cho nó gặp nhau ở phía sau.
  • Lặp lại 5 lần.

Thở bụng: Bài tập này có tác dụng giảm căng thẳng, và video hướng dẫn cách tập mình đã đưa ra ở trên 
Bây giờ mình chỉ nói đến cơ chế của bài tập này trong việc giảm cảm giác vướng nghẹn.
Khi chúng ta bị căng thẳng, lo âu chúng ta thường thở nhanh hơn rất nhiều lần bình thường, và kiểu thở nhanh khi căng thẳng này khiến các cơ ở vùng cổ họng hoạt động mạnh. Và tất nhiên khi hoạt động nhiều thì nó dễ bị căng mỏi. Bài tập thở bụng là kiểu thở sâu, dùng cơ hoành thở là chính cho nên các cơ vùng cổ họng sẽ được dịp nghỉ ngơi nhiều hơn.

Ngáp: Chúng ta thường ngáp khi buồn ngủ, nhưng khi bị cảm giác vướng nghẹn, các bạn nên chủ động ngáp nhiều hơn, ngáp giả vờ cũng được. Vì ngáp giúp thư giãn cơ vùng cổ họng rất tốt. Có một sự thật thú vị như này. Bạn có biết ông diễn viên Morgan Freeman không? Có thể bạn không nhớ tên nhưng xem mặt thì những ai hay xem phim điện ảnh Âu Mỹ chắc chắn sẽ nhớ. Ông đóng nhiều phim bom tấn lắm. Morgan Freeman được mệnh danh là người có giọng nói hay nhất nước Mỹ. Trong một lần phỏng vấn, ông có chia sẻ cách để có giọng nói hay hơn là bạn cứ ngáp thật nhiều vào vì nó giúp cơ cổ hong- thanh quản của ông thư giãn rất nhiều.

Cuối cùng là bạn nên hình thành một thói quen mới là uống nước thường xuyên, nhấp ngụm nước thôi cũng được. Chúng ta thường thấy cảm giác vướng nghẹn rõ rệt nhất khi nuốt nước bọt (tức là nuốt khô) còn cảm giác này sẽ biến mất khi chúng ta uống nước (tước là nuốt ướt). Nuốt khô sẽ khiến các cơ tham gia việc nuốt ở cổ họng hoat động mạnh hơn, còn nuốt ướt thì các cơ sẽ được thư giãn nhiều hơn. Vậy nên việc nhấp ngụm nước thường xuyên vừa làm bạn thấy dễ chịu cổ họng hơn vừa giúp các cơ cổ họng được thư giãn.

Tóm lại, để điều trị trào ngược họng thanh quản không dùng thuốc bạn có thể sử dụng 1 cách, 2 cách hoặc cả 3 cách nhưng tất nhiên là áp dụng càng nhiều cách thì hiệu quả sẽ tốt hơn là chỉ thực hiện 1, vì như ban đầu mình đã nói, cái triệu chứng này thường do nhiều yếu tố tác động đến chứ ít khi là chỉ có một.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *